메인메뉴 바로가기본문으로 바로가기

Features > 상세화면

2024 SPRING

NHỮNG PHÔNG CHỮ LÀM GỢI NHỚ MỘT EULJIRO XƯA

Baedal Minjok, một nền tảng giao đồ ăn được điều hành bởi Woowa Brothers, đã phát triển và phân phối phông chữ tiếng Hàn miễn phí để các phông chữ này có thể đến gần hơn với công chúng. Trong số đó, bộ phông Baemin Euljiro đã nhận được sự quan tâm lớn khi được đánh giá là kiểu phông chữ chứa đựng trọn vẹn đặc trưng vùng miền và lịch sử của Euljiro.
Thành phố và những lá thư> Lối vào triển lãm

Baetal Minjok chính thức phát triển kiểu phông chữ thư pháp chuyên dụng từ năm 2012. Triển lãm “Thành thị và Con chữ” tại N/A Gallery đã được tổ chức vào tháng 10 năm 2019 để kỉ niệm sự ra mắt phông chữ thứ tám mang tên Eujiro của công ty.
ⓒ Woowa Brothers


Baedal Minjok (sau đây gọi là Baemin) là một doanh nghiệp nổi tiếng với những chiến dịch tiếp thị độc đáo. Những dự án đầy dí dỏm của họ rất nổi tiếng đối với giới trẻ. Một trong số đó là việc phát triển kiểu phông thư pháp chữ Hàn. Từ năm 2012, Baemin đã phân phối các kiểu phông chữ Hàn miễn phí hàng năm để khách hàng có thể sử dụng trong đời sống thường ngày. Vậy lý do nào khiến họ thực hiện một dự án khác xa với công việc kinh doanh chính trong hơn một thập kỷ qua?

“Vì việc này không mấy ai làm mà.”

Đó là câu trả lời của Giám đốc vận hành Han Myung-su. Anh vừa cười rạng rỡ vừa nói:

“Hơn nữa, nó cũng khá thú vị.”

Anh cho rằng phông chữ Euljiro phát hành vào năm 2019 là tác phẩm phát triển phông chữ thư pháp thú vị nhất mà bản thân thực hiện cho đến nay. Các phông chữ phát hành trước đây, bao gồm Baemin Hanna (2012) – dự án đầu tiên của anh, Baemin Jua (2014) và Baemin Dohyeon (2015) đều được lấy cảm hứng từ các bảng hiệu cửa hàng lâu đời trên đường phố. Phông chữ Euljiro đã tiến thêm một bước nữa khi dự án này lấy chủ đề từ khu vực Euljiro, nơi vẫn còn rất nhiều những bảng hiệu xưa.

Nguyên mẫu của phông chữ Euljiro

Xuất thân là một nhà thiết kế, Kim Bong-jin, người sáng lập Woowa Brothers, đã dành nhiều quan tâm đối với những kiểu chữ trên bảng hiệu xưa của Hàn Quốc ngay từ trước khi điều hành doanh nghiệp. Điện thoại của anh lưu giữ hàng ngàn bức hình về các biển hiệu đường phố, trong đó anh yêu thích nhất là những hình chụp bảng hiệu Euljiro được chế tác vào khoảng thời gian từ năm 1960 đến 1970. Người ta cho rằng tất cả những bảng hiệu viết bằng chữ thư pháp thường thấy trên con phố Gongu (khu phố chuyên bán các dụng cụ) ở Euljiro vào thời điểm đó đều là sản phẩm của hai hoặc ba nghệ nhân với tên gọi “Người ông bảng hiệu”. Họ chở theo những thùng sơn trên xe đạp và trực tiếp dùng tay viết lên trên bảng kẽm hoặc tấm ván những con chữ mang nét đặc trưng của chính mình.

Giám đốc vận hành Han Myung-soo nói rằng một bức ảnh trên điện thoại di động của Chủ tịch Kim Bong-jin đã trở thành nguyên mẫu cho phông chữ Euljiro.

“Đó là một bảng hiệu của một công ty sản xuất với bảy chữ cái được ghi trên đó. Tôi bị hấp dẫn bởi mẫu chữ dày dặn đầy sức mạnh trên từng nét viết. Phải chăng có nét quyến rũ của sự dở dang?”

Không lâu sau đó, một điều bất ngờ đã xảy ra. Một bức hình tương tự cũng được lưu trong điện thoại của chủ tịch Seok Geum-ho, nhà sáng lập Sandoll, một doanh nghiệp chuyên về kiểu chữ thư pháp đã hợp tác lâu năm với Woowa Brothers.

“Cũng bởì vì thích những nét chữ trên bảng hiệu mà chủ tịch Seok Geum-ho đã chụp ảnh lại. Đó là khoảnh khắc khi cái nhìn của hai trong số những người sáng tạo mang tính biểu tượng của thời bấy giờ trùng khớp nhau. Vì vậy, bảy chữ cái đó đã trở thành hình mẫu của phông chữ Euljiro.”

Những bảng hiệu viết tay được vẽ từ những năm 1960 và 1970.

Ở Euljiro vẫn còn lại những bảng hiệu được viết tay bằng sơn vào những năm 1960-19770. Sê-ri phông chữ Euljiro của Baemin được lấy cảm hứng từ những bảng hiệu xưa của Euljiro với nét viết tay đặc trưng.
ⓒ Woowa Brothers

Sự quyến rũ của thư pháp

Dựa trên bảy chữ này, Baemin đã vẽ khoảng 200 chữ thư pháp cơ bản. Sandoll sau đó đã tạo thêm 2.000 ký tự dựa trên bản phác thảo thô này. Bảy chữ thư pháp được viết cách đây nửa thế kỷ đã trải qua quá trình đó để hoàn thiện thành phông chữ Euljiro với 2.350 ký tự.

“Sandoll là một công ty chủ yếu sản xuất phông chữ thư pháp sử dụng cho các doanh nghiệp, nên có xu hướng theo đuổi các kiểu chữ tinh xảo. Chúng tôi đã đặt hàng yêu cầu họ “phá vỡ” các chữ cái thêm một chút nữa. Ví dụ, ngay cả một nét tròn thì Sandoll cũng vẽ rất khéo. Tuy nhiên, chữ cái ieung (ㅇ) vốn là một hình tròn nối liền trong bảng chữ cái Hangeul lại trông hơi khác khi được thể hiện bằng nét chữ thư pháp. Vì vòng tròn được chia ra làm hai nét vẽ, một nét cho nửa hình tròn bên trái, một nét cho nửa còn lại bên phải, nên đỉnh của vòng tròn sẽ phình ra làm mất sự cân đối. Tôi đã yêu cầu giữ nguyên vẹn nét quyến rũ không theo quy tắc nào của thư pháp. Mọi người đều rất hứng thú vì đây là lần đầu tiên làm một công việc như thế này.”

Đó là những hồi ức của Giám đốc vận hành Han Myung-soo. Phát hành vào năm 2019, phông chữ Euljiro được biết đến rộng rãi nhờ thiết kế mang tính độc đáo và thiết thực giống như chữ thư pháp. Phông chữ Euljiro được sử dụng theo nhiều phương cách khác nhau, từ phụ đề trong các chương trình giải trí truyền hình cho đến cả các biểu ngữ tại các khu vực biểu tình.

“Bất cứ khi nào nhìn thấy hình ảnh sử dụng phông chữ Euljiro, tôi đều chia sẻ nó với các thành viên của mình trong nhóm trò chuyện. Và tôi nói “Ôi ở đây dùng phông chữ thư pháp của chúng ta này!”, “Ở đây cũng vậy này!”. Khi phông chữ Euljiro để lại ấn tượng mạnh mẽ với công chúng, tôi có thể cảm nhận được hình ảnh thương hiệu của Baemin dần được củng cố.”

Các bảng hiệu từ khắp

Các bảng hiệu từ khắp nơi trên đất nước chiếm một nửa khu triển lãm “Thành thị và Con chữ”. Hầu hết các kiểu chữ mà Baemin đã sản xuất cho đến nay, bao gồm cả phông chữ Hanna đầu tiên được phát hành vào năm 2012, đều dựa trên các họa tiết của bảng hiệu xưa, tuy thô sơ nhưng lại mang đầy tình cảm.
ⓒ Woowa Brothers

 



Mở rộng dự án

Vượt ra khỏi những kiểu chữ thư pháp đơn thuần, phông Euljiro không chỉ là một kiểu chữ mà còn phát triển như một nét văn hóa retro đối với người dùng. Từ đây, Baemin quyết định ghi lại phong cảnh của khu vực Euljiro, nơi đang mất dần diện mạo xưa do tái phát triển. Bởi họ nhận ra rằng những bảng hiệu của Euljiro không là của riêng ai, mà là thành quả của cộng đồng. Từ đó họ tập trung vào lịch sử của Euljiro, nơi sự sống đang tiếp diễn qua những lần suy tàn, hồi sinh và tăng trưởng. Đối với một ai đó, cũng là sự phản tỉnh về việc đã dùng mảnh đất sinh tồn này như một công cụ tiếp thị một chiều.

Dự án bắt đầu từ sự hấp dẫn thị giác của các bảng hiệu, rồi được mở rộng qua những quan tâm đến con người và vùng miền. Baemin đã tham quan Euljiro trong sáu tháng cùng nhiếp ảnh gia giàu kinh nghiệm, lắng nghe câu chuyện của những nghệ nhân đã bảo vệ nơi này trong nhiều thập kỷ. Bằng hình ảnh và những bài viết, họ đã ghi lại câu chuyện của người dân Euljiro, những con người ở nhiều độ tuổi và nghề nghiệp khác nhau, từ ông chủ xưởng luyện thép lớn tuổi đến các nghệ nhân trẻ tuổi, và đến năm 2020, một cuộc triển lãm lấy chủ đề này mang tên “Này cậu Đồ Đúc! Sao anh Đồ Gỗ?” được tổ chức, một lần nữa lại thu hút sự quan tâm của mọi người.

Trong khi sưu tầm tư liệu ảnh về các bảng hiệu xưa của Euljiro như một phần của quá trình chuẩn bị cho triển lãm, họ cũng đã tìm ra ý tưởng về các phông chữ tiếp theo.

“Tấm biển hiệu tróc sơn vì sự bào mòn của tháng năm trông tuyệt vời ngoài sức tưởng tượng. Chúng tôi đã tạo ra một phông chữ Euljiro riêng, dựa theo những con chữ mang hình hài thời gian đó và phản ứng của mọi người rất tốt, sau đó lại cho ra mắt cả một phiên bản mà các chữ cái hầu như bị phai màu hoàn toàn. Trong quá trình đó, chúng tôi đã liên tục dùng phông chữ này để viết ra các câu và kiểm tra để nâng cao độ hoàn thiện. Rồi chúng tôi lại suy nghĩ làm thế nào để chữ viết có thể trông giống như được phai mòn một cách tự nhiên hơn.”

Đến năm 2020, Baemin tiếp tục sáng tạo và phát hành Baemin Euljiro Ten Years Later mang nét đặc trưng của những con chữ bị phai màu bởi nắng và mưa gió bằng cách tưởng tượng hình dáng phông chữ Euljiro của 10 năm về sau. Vào năm tiếp theo, họ công bố phông chữ Baemin Euljiro OraeOrae kiểu mờ đến mức các chữ cái gần như vô hình.

Trong suốt ba năm ra mắt bộ phông chữ Euljiro, Bae Min đã phát triển thành một doanh nghiệp có bản sắc riêng. Mặc dù phông chữ Euljiro không có tác động trực tiếp đến hiệu quả kinh doanh của Baemin, nhưng tác động văn hóa của nó trong đời sống hàng ngày đã vượt xa hiệu quả xây dựng thương hiệu chung của doanh nghiệp. Nói về động lực đằng sau việc không ngừng phát triển các kiểu chữ, câu trả lời của Giám đốc vận hành Han Myung-soo rất thú vị.

“Có thể nói nó giống như tham vọng của một doanh nhân sáng tạo. Bởi người sáng tạo đều muốn được nhiều người ủng hộ. Thật vui và hạnh phúc thấy các dự án tôi tham gia trở thành một nét văn hóa và mọi đang tận hưởng chúng.”

<Này cậu Đồ Đúc! Sao anh Đồ Gỗ?> Quang cảnh bên trong

Khơi gợi cảm hứng từ nét đẹp của những bảng hiệu xưa, phông chữ Euljiro là bước ngoặt để mở rộng các dự án phông chữ của Baemin đến với cộng đồng địa phương. Trong khuôn khổ dự án này, Baemin đã hợp tác với nhiếp ảnh gia MJ Kim để chụp ảnh các thợ thủ công công nghiệp vùng Euljiro bằng phim Polaroid và trình bày tác phẩm tại triển lãm “Này cậu Đồ Đúc! Sao anh Đồ Gỗ?” được tổ chức tại Trung tâm Biểu diễn Nghệ thuật Sejong vào năm 2020.
ⓒ Woowa Brothers

Baemin’s Euljiro font

 





Kang Bo-ra - Nhà văn
Dịch. Phạm Hương Giang

전체메뉴

전체메뉴 닫기