메인메뉴 바로가기본문으로 바로가기

null > 상세화면

2023 SPRING

NHỮNG NGƯỜI THỢ THỦ CÔNG TRẺ HOÀN THIỆN BẢN SẮC RIÊNG

Kim Min-wook, Bae Se-jin và Yang Yoo-wan là môt trong những thợ thủ công trẻ tuổi, không ngại những thử thách mới trong quá trình khám phá giá trị cốt lõi của nghề thủ công. Để tìm hiểu rõ hơn thế giới nghệ thuật của các nghệ nhân này, chúng tôi đã đến thăm xưởng làm việc còn hằn sâu vết tích lao động và tư duy.


Nghệ nhân mộc Kim Min-wook không xóa đi vết tích gỗ bị cong vênh, nứt nẻ hay bị côn trùng gặm nhấm mà đưa tất cả chúng hòa quyện vào trong tác phẩm.
Các tác phẩm của nghệ nhân thủy tinh Yang Yoo-wan đặc biệt ở chỗ chúng có những hình dạng lạ và vẫn còn bọt khí trong thủy tinh. Đây là kết quả của sự thăng hoa trong sáng tạo từ những thiếu sót của bản thân.
Thể hiện lao động nghệ thuật của bản thân, nghệ nhân gốm Bae Se-jin đã gắn các khối nhỏ có in số thứ tự lại với nhau để tạo thành tác phẩm của mình.
Kim Min-wook, nghệ nhân mộc đọc thời gian của gỗ

Đối với Kim Min-wook, nghệ thuật chế tác gỗ không phải là đi “thiết kế” nguyên vật liệu, mà là phô bày nguyên vẹn đặc tính và cảm xúc tự nhiên của nó.

Tác phẩm và các nguyên vật liệu đặt ở một góc của xưởng làm việc. Anh vừa làm đồ nội thất theo yêu cầu, vừa hoạt động nghệ thuật riêng tại QI MINU, một xưởng làm việc nằm ở Haeundae, Busan.



Kim Min-wook yêu thích những chất liệu gỗ hiển hiện vết tích thời gian. Anh cảm thấy bị thu hút bởi vân gỗ và những lỗ nhỏ do côn trùng tạo nên, những vết nứt và hình dáng oằn cong do mưa gió khắc nghiệt đi cùng quá trình khô tự nhiên lặp đi lặp lại, và cả những vệt ố đen xuất hiện do bị vi khuẩn nấm mốc xâm nhập. Anh tôn trọng vẹn nguyên những hình dáng không hoàn hảo này. Do đó, anh không cố gắng xử lý gỗ bằng các kỹ thuật riêng. Gỗ được đặt trong điều kiện mưa gió bình thường để diện mạo của chúng có thể biến đổi thuận theo tự nhiên.

Trong lúc chế tác, thi thoảng cũng có côn trùng chui ra từ thớ gỗ đã được đo cắt từ lâu. Những lúc như vậy, anh lại cảm thán nghĩ rằng: Gỗ dường như là chất liệu thủ công duy nhất đang ôm ấp những sự sống khác. Đây là lý do anh tìm kiếm các phương pháp có thể làm nổi bật đặc tính của gỗ, hơn là tập trung vào thiết kế hay mục đích sử dụng. Vốn hiếu kì về trạng thái bên trong của gỗ, thứ chỉ lộ ra sau khi lột bỏ lớp vỏ cây, cho nên anh thích sử dụng máy tiện gỗ để có thể thao tác với tốc độ nhanh. Khúc gỗ càng bị biến dạng, càng hư hao nhiều, quá trình thao tác càng khó khăn thì công việc càng trở nên thú vị đối với anh.

Nếu Kim Min-wook kể ra câu chuyện chứa đựng trong từng thớ gỗ qua thao tác tiện gỗ thì phần còn lại là việc của tự nhiên. Thông qua quá trình phơi khô tự nhiên, sản phẩm gia công lần đầu lại thay đổi thêm lần nữa. Có khi vết nứt càng sâu hơn, và cũng có khi hình dạng gỗ cũng thay đổi theo một cách khác. Theo dõi sự chuyển mình của gỗ như vậy, khi nó biến dạng nghiêm trọng, anh sẽ gắn thêm miếng kim loại nhỏ để giữ hình dạng. Cách làm việc của anh là như thế: thuận theo chuyển động của gỗ trong từng khoảnh khắc.

Tính đến nay, anh đã hoạt động với tư cách là nghệ nhân chuyên nghiệp được chín năm. Anh được chọn là một trong bốn người chiến thắng cuối cùng. Giải thưởng Bậc thầy Sáng tạo (Lexus Creative Masters Award) năm 2019. Đây là chương trình của Lexus Korea nhằm tìm kiếm và hỗ trợ nghệ nhân mới trong lĩnh vực thủ công mỹ nghệ. Vào năm 2022, anh lại được vinh danh là một trong những nghệ nhân lọt vào chung kết Giải thưởng Thủ công Loewe. Tuy nhiên, anh vẫn nói bản thân thấy hơi xấu hổ khi được gọi là nghệ nhân. Bởi anh nghĩ mình chỉ là người trung gian chuyển tải câu chuyện của gỗ.

Từng mong muốn trở thành nhà thiết kế may đo vest, anh đã theo học chuyên ngành thiết kế thời trang. Anh thú nhận có dạo mình đã chuẩn bị di cư vì thấy mệt mỏi với cuộc sống ở Seoul. Lúc đó, anh nghĩ cần đến kỹ thuật nghề mới có thể xoay sở được cuộc sống hàng ngày, thế là anh bắt đầu học kỹ thuật làm mộc. Cùng với đối tác làm công việc sản xuất đồ gỗ theo đơn đặt hàng ở Ilsan, tỉnh Gyeonggi được ba năm, anh trở về quê hương Busan và bắt đầu hoạt động nghệ thuật. Giờ đây, anh bán tác phẩm của mình tại nhiều cửa hàng thiết kế, đồng thời tạo dựng nên vị thế của một nghệ nhân có lượng người hâm mộ riêng.

Ngay cả hiện tại, anh vẫn đang nhận làm đồ nội thất theo yêu cầu. Những lúc như vậy, anh hóa thân thành nhà thiết kế đo đóng tùy theo đề nghị của khách hàng, làm ra những nội thất có thiết kế gọn gàng, chỉn chu. Dù làm việc trong vị thế một nghệ nhân hay một nhà thiết kế nội thất theo đơn đặt hàng, anh cũng không hề cố chấp. Anh lắng nghe câu chuyện của gỗ khi là một nghệ nhân, và lắng nghe các yêu cầu của khách hàng khi là một nhà thiết kế. Một người như anh, đang vẽ ra giấc mơ duy nhất, là một ngày nào đó sẽ đến, ngày mà anh có thể khắc thêm một chút suy nghĩ của mình lên gỗ. Nhưng vì lo ngại rằng đó là một tham vọng quá lớn lao, nên anh đã trì hoãn nó đến một tương lai xa.

Kim Min-wook, người thành thạo nghề mộc bằng cách tự học đã lọt vào vòng chung kết Giải thưởng Thủ công Loewe năm 2022 cho tác phẩm “Bản năng” (Instinctive) làm bằng gỗ sồi.
Cung cấp bởi Bảo tàng Thủ công Mỹ nghệ Seoul

Bae Se-jin, nghệ nhân gốm ngợi ca lao động

Trước khi tạo hình, Bae Se-jin tạo ra các khối nhỏ rồi in số thứ tự lên. Con số lên tới 345.700 này là minh chứng rõ ràng cho sự lao động thuần túy và thời gian mà anh đã cống hiến một cách nghiêm túc cho công việc.




Một trong những nét hấp dẫn của các ngành nghề thủ công là thời gian và sự lao động của người thợ thể hiện trọn vẹn trên tác phẩm. Thủ thuật hời hợt hay gian dối không được cho phép. Nghệ nhân gốm thủ công Bae Se-jin cũng là một trường hợp như vậy. Anh tạo ra sản phẩm bằng cách gắn các khối có in số thứ tự lại với nhau, hoặc đôi khi anh cũng tạo tác các tác phẩm trên mặt phẳng như trong hội họa. Công việc này bắt đầu với số 1 vào năm 2008, khi anh còn là sinh viên năm ba đại học, giờ nó đã đạt đến con số 345.700, sau 15 năm.

Năm 1999, nghệ nhân theo học trường Đại học Mỹ thuật thuộc Đại học Quốc gia Seoul, nhưng anh không thể thích nghi tốt với cuộc sống học đường. Dù sao anh cũng đã có thể gắn kết tình cảm với trường học nhờ tham gia sinh hoạt câu lạc bộ kịch. Tuy nhiên, vì hoàn cảnh phải tự trang trải học phí nên anh đã sớm bảo lưu việc học, làm việc cho một công ty thiết kế web và một công ty thiết kế triển lãm, thậm chí còn làm công việc quảng cáo cho đoàn kịch vào buổi tối. Làm việc trong đoàn kịch không mang lại nhiều thu nhập, nhưng anh cảm thấy biết ơn và hạnh phúc vì có thể xem kịch mỗi tối. Phải đến khi 27 tuổi, anh mới đi học lại.

Kỹ thuật làm gốm thủ công chủ yếu được chia thành tạo hình trên bàn xoay, tạo hình bằng khuôn, nặn đắp bằng tay (cán phẳng và cuộn dải). Trong khi làm quen với các kỹ thuật khác nhau, phương pháp làm việc thường xuyên thay đổi là điều bình thường, nhưng anh đã bắt đầu tập trung tìm kiếm phương pháp phù hợp với bản thân và câu chuyện mình muốn kể từ sớm. Một ngày nọ, khi anh đang cán phẳng đất sét để tạo hình trong lớp gốm sứ căn bản, một đàn anh đi ngang qua, để lại lời khen ngợi rằng: “Khá lắm”. Một lời nói đó đã đưa anh bước vào con đường nghệ nhân làm gốm thủ công.

Càng làm việc trong sự hứng thú với nghệ thuật gốm thủ công, anh càng nhận ra thời gian chính là vấn đề trong việc làm gốm sứ. Người thợ không thể điều chỉnh hay kiểm soát thời gian đất sét khô, thời gian đất sét được nung trong lò. Không thể khắc phục được khó khăn về thời gian là một vấn đề tồn tại nan giải, nhưng cũng chính thời gian lại giải quyết hầu hết những vấn đề này. Anh muốn biểu đạt quá trình lao động nghệ thuật của công việc này, một công việc đòi hỏi phải tuân theo vận số của thời gian. Vì vậy, những gì anh bắt đầu là tạo ra các khối nhỏ rồi đánh số lên chúng. Con số gắn với tên tác phẩm có nghĩa là số thứ tự của các khối nhỏ dùng trong tác phẩm. Ngoài ra, trong tên tác phẩm cũng hay có câu “Trong khi chờ đợi Godot” được lấy từ vở kịch cùng tên yêu thích của anh. Vở kịch ấy nói về một nhân vật đang chờ đợi trong vô tận mà không biết chính xác “Godot” là ai, cũng giống như nghệ nhân gốm thủ công một lòng đợi chờ thời gian của đất sét và lửa mà không biết điều gì sẽ xảy ra.

Bae Se-jin tổ chức lớp học làm gốm sứ cho đối tượng không theo chuyên ngành thủ công hay thiết kế tại một xưởng ở Pil-dong, Seoul. Năm nay đã là năm thứ bảy. Các nghệ nhân trẻ phải điều hành xưởng thủ công một phần là vì họ khó có thể sống được chỉ bằng việc bán tác phẩm. Để được hoạt động nghệ thuật, anh cũng bắt đầu tổ chức các lớp học tại xưởng như một phương tiện kiếm sống. Tuy nhiên, giờ đây mọi thứ đã khác đi. Cần phải có nhiều người hiểu và yêu thích nghề thủ công, các thợ thủ công mới có thể hoạt động lâu dài. Do đó, gần đây, ý thức được vai trò của mình, anh đang dồn hết tâm huyết tạo ra các nội dung đào tạo gốm thủ công chất lượng cao. Đó là bởi hệ sinh thái của nghề thủ công chỉ được duy trì khi có nhiều người tiêu dùng sành điệu hơn.


< WFG 282260-284565_1 > . 2019. 33 × 33 × 35 ㎝.Tên tác phẩm của anh bao gồm số thứ tự của các khối nhỏ được sử dụng trong tác phẩm, cùng các ký tự có nghĩa là “Trong khi chờ đợi Godot” (Waiting for Godot) - một vở kịch yêu thích của anh.

Với suy nghĩ rằng hệ sinh thái của nghề thủ công sẽ chỉ phát triển khi có nhiều người tiêu dùng sành điệu hơn, Bae Se-jin tổ chức các lớp học gốm sứ cho mọi người tại một xưởng làm việc ở Pil-dong, Seoul.

Yang Yoo-wa, nghệ nhân thủy tinh tận hưởng những thử nghiệm khác biệt

Những năm gần đây, những người trẻ vượt ra khỏi ranh giới giữa nghệ nhân và nhà thiết kế bắt đầu được chú ý. Họ vừa là những nghệ nhân hoạt động nghệ thuật, coi trọng vấn đề cá tính, vừa là những nhà thiết kế tham gia vào dây chuyền sản xuất hàng loạt các sản phẩm mang tính thị trường hoặc hợp tác cùng các thương hiệu. Yang Yoo-wan, một người thợ thủy tinh, đồng thời là người đại diện của xưởng thiết kế Mowani Glass, cũng là một trong những nghệ nhân như vậy. Ngoài việc mở rộng thế giới nghệ thuật độc đáo của riêng mình, cô còn nhận được lời mời gọi từ nhiều lĩnh vực khác nhau như làm đẹp, sinh hoạt, ăn uống,... cho ra mắt thành phẩm với nhiều phong cách khác nhau tùy theo đặc điểm của từng thương hiệu.

Tác phẩm của cô được xem là thành phẩm của việc sử dụng kỹ thuật thổi. Đặc trưng của chúng là có hình dạng không cố định, có sự kết hợp giữa nhiều vật liệu khác nhau và vẫn còn bọt trong thủy tinh. Đặc biệt, hình dạng không cố định và các bọt khí trong thủy tinh là kết quả của sự thăng hoa trong sáng tạo từ những thiếu sót của bản thân. Những thợ thổi thủy tinh thường cho rằng kỹ thuật non kém sẽ gây nổi bọt và coi đó là sản phẩm lỗi. Cô đã thay đổi suy nghĩ khi khó lòng loại bỏ hoàn toàn bọt khỏi sản phẩm. Nghệ nhân quyết cố ý tạo ra nhiều bọt và tạo mẫu chúng. Hình dạng không cố định của các tác phẩm ấy cũng bắt nguồn từ cùng một lý do như thế. Giống như “bình mặt trăng” (moon jar) đầy mê hoặc ở chỗ không cân đối trái phải, hình dạng không cố định của sản phẩm cũng mang lại sự thú vị cho thị giác do ấn tượng khác nhau tùy theo góc nhìn.

Yang Yoo-wan cũng tích cực thử nghiệm với nhiều chất liệu khác nhau như gỗ, gốm sứ, kim loại,... Trong những năm đại học, cô đã làm ra một cái hộp kết hợp giữa thân bằng gốm sứ và nắp thủy tinh, nhờ tác phẩm này mà mà cô được chọn là sinh viên xuất sắc tham gia vào Tuần lễ Thiết kế Milan, cũng như nhận được cơ hội có thể tổ chức triển lãm tại phòng trưng bày Mint và Saatchi ở nước Anh. Nhân cơ hội này, cô đang đi tìm phương pháp khác biệt của riêng mình, chẳng hạn như kết hợp thủy tinh với chất liệu khác, hoặc thể hiện màu sắc bằng men gốm, kỹ thuật sơn, kỹ thuật lá đồng.

Có thể dễ dàng tìm thấy tên tuổi của cô trong các sản phẩm hợp tác cùng các thương hiệu. Việc thực hiện theo yêu cầu của khách hàng được cô xem là cơ hội để có được những ý tưởng mới. Ví dụ như hệ thống đèn trần do kiến trúc sư thế giới Peter Marino thiết kế cho Boontheshop, chi nhánh Cheongdam là một thách thức mới đối với cô. Sau khi được khách hàng yêu cầu thiết kế chiếc đèn trần khổng lồ gồm bảy thanh thủy tinh đầy bọt buộc lại với nhau, cô đã áp dụng một cách thích hợp kiến thức chuyên môn cần thiết, đề xuất giải pháp để có thể hoàn thành được dự án. Từ đơn đặt hàng của thương hiệu spa Swiss Perfection, trong đó yêu cầu sử dụng thủy tinh để diễn tả nước, cô đã phát triển ý tưởng ấy vào thiết kế bát đĩa, rồi ứng dụng vào việc tạo nên các loại đĩa hoặc bát nước sốt có hình dạng mới.

Mowani Glass, thương hiệu do Yang Yoo-wan điều hành, có trang bị dây chuyền sản xuất hàng loạt. Cô nhấn mạnh rằng, những công việc này không thể được thực hiện một mình, nên sự hợp tác cùng đồng nghiệp là quan trọng nhất. Tiềm lực để cô có thể thực hiện dự án và các thử nghiệm khác nhau đến từ nền tảng chuyên ngành thiết kế công nghiệp. Cô theo học đại học thiết kế để trở thành nhà thiết kế xe hơi, rồi yêu thích nghề thủy tinh thủ công khi tình cờ được tiếp xúc nên đã bước vào con đường nghệ nhân chuyên nghiệp. Do đó cô có cả khả năng lập trình của một nhà thiết kế, tính hiếu kì đối với các loại nguyên vật liệu khác nhau, kỹ thuật khéo léo từ đôi tay và sự nhạy cảm của một người thợ thủ công. Trong tương lai, cô dự định điều hành một xưởng thiết kế tập trung vào thủ công thủy tinh, thử sức với những món đồ nhỏ cũng như đồ nội thất sử dụng kỹ thuật thổi và cả thiết kế không gian.

Nằm trên tầng ba của tòa nhà, xưởng của yang Yoo-wan bao gồm một phòng khách và một nơi dành để làm việc. Trên chiếc kệ lấp đầy một bức tường của phòng khách - nơi cô nghỉ ngơi - không chỉ có các tác phẩm của cô, mà còn chứa nhiều đồ vật khác nhau được cô sưu tầm trong những chuyến du lịch. Chúng luôn đem lại cho cô một nguồn năng lượng dễ chịu.

Những bình hoa với nhiều kích cỡ và hình dạng khác nhau trên chiếc bàn ở một góc xưởng. Yang Yoo-wan cũng tích cực thử nghiệm các nguyên vật liệu như gỗ, gốm sứ và kim loại, cô nói rằng thông qua đó cô có thể khẳng định rõ hơn bản sắc riêng của mình với tư cách là một nghệ nhân thủy tinh.



Park Eun-young Cộng tác viên tự do
Ảnh. Han Jung-hyun
Dịch. Mai Như Nguyệt

전체메뉴

전체메뉴 닫기