Tạp chí hằng tháng
Street H sẽ kỷ niệm 15 năm thành lập vào năm nay. Tạp chí này chuyên đề cập đến văn hóa của khu vực Hongdae và ghi lại một cách sát sao cảnh tượng luôn thay đổi của nơi này. Tổng biên tập của tạp chí, bà Jung Ji-yeon, cho rằng “tinh thần Hongdae” vẫn luôn tồn tại bất kể sự biến đổi không ngừng của thời đại. Tinh thần ấy giản gọn trong tính đa dạng, lối sống khác, tính nghệ thuật và sức sống tự thân.
Jung Ji-yeon đã làm việc tại công ty xuất bản và tạp chí trong hơn 15 năm. Bà rất quan tâm đến các tạp chí địa phương và đã thành lập Street H vào năm 2009 chuyên đề cập đến văn hóa ở khu vực Hongdae. Bà nói về Hongdae: “Đó là nơi có sức mạnh tạo lập và truyền bá xu hướng”.
Những chồng sách và tạp chí khổ nhỏ liên quan đến địa phương chất đầy khắp nơi trong văn phòng của Street H tại Sangsu-dong, cho thấy bộ phận biên tập của tạp chí đã có lịch sử lâu dài. Tổng biên tập Jung Ji-yeon đã xuất bản Street H dưới dạng tạp chí miễn phí hằng tháng có đính kèm các tờ đồ họa thông tin và bản đồ, trong đó đăng tải những câu chuyện về con người và những địa điểm khác nhau ở trước Hongdae (cách gọi tắt của Hongik Daehakgyo, nghĩa là Đại học Hongik – chú thích của người dịch).
Trong 15 năm qua, tạp chí đã phản ánh một cách nhanh chóng những thay đổi của nơi này trong mọi lĩnh vực bao gồm âm nhạc, mỹ thuật, thiết kế, xuất bản, văn hóa ẩm thực, đồng thời khẳng định được vai trò là phương tiện truyền thông có lịch sử lâu dài mà người dân địa phương và các chủ cửa hàng luôn tìm đọc dù không có quảng cáo gì đặc biệt.
Cách đây khoảng 30 năm, khu vực phía trước Hongdae từng là nơi dành cho các nghệ sĩ trẻ và nghèo. Kể từ năm 2010, nơi này trải qua những đợt tăng trưởng lẫn suy thoái liên tục dưới ảnh hưởng của làn sóng thương mại hóa và chỉnh trang đô thị. Nhờ ghi lại đầy đủ quá trình này, Street H trở thành nguồn tài liệu quý giá mang đến cho độc giả cái nhìn bao quát về lịch sử của khu Hongdae này.
Bí quyết gì để một tạp chí địa phương có thể tồn tại được lâu ở Seoul - nơi các xu hướng diễn ra rất nhanh?
Street H không phải là tạp chí thương mại dựa vào quảng cáo. Nếu vận hành bằng tiền tài trợ từ các tổ chức hoặc khách hàng thì tạp chí sẽ khó thể duy trì khi nguồn tài trợ chấm dứt. Sau hơn mười năm xuất bản, mối quan hệ của tạp chí với cộng đồng địa phương càng thêm bền chặt cũng có lý do cả. Lúc thì cư dân cung cấp cho tạp chí tin tức địa phương trước, lúc thì Street H lại chủ động đóng vai trò cơ quan ngôn luận để cư dân phát biểu ý kiến về những vấn đề quan trọng của khu phố.
Đã từng chứng kiến sự thay đổi của Hongdae suốt một thời gian dài, bà chú ý điều gì khi nhìn lại quá khứ?
Tôi định nghĩa giai đoạn từ năm 2005 đến năm 2010 là “thời kỳ văn hóa cảm xúc”. Đó là khi cơn sốt ban nhạc indie nở rộ từ thập niên 1990 đến đầu những năm 2000 dần lắng xuống, thay vào đó là những nghệ sĩ acoustic hát với guitar thùng. Cũng chính trong khoảng thời gian này đã dần hình thành hình ảnh lãng mạn của khu vực Hongdae mà chúng ta biết trong văn hóa đại chúng ngày nay, với những quán cà phê gỗ mộc mạc, những buổi biểu diễn đường phố, và nhiều lễ hội. Street H được xuất bản lần đầu tiên vào tháng 6 năm 2009, khi xu hướng văn hóa ấy được hình thành trước Hongdae một cách mạnh mẽ.
Điều gì đã thúc đẩy việc ra mắt tạp chí?
Năm 2007, tôi nghỉ việc tại một công ty xuất bản và ở lại New York một năm để nạp năng lượng. Khi đó tôi thường lục lọi các tạp chí địa phương như L Magazine hay Time Out, chúng chứa đầy những thông tin hữu ích. Đột nhiên tôi nghĩ đến việc làm ra một tạp chí về Hongdae ở Hàn Quốc. Đó là lúc các văn hóa khác nhau đang khuấy động khu vực Hongdae, vì vậy tôi nghĩ làm nội dung về nơi này sẽ rất thú vị.
Khu Hongdae là khu vực thương mại đã trải qua nhiều thay đổi do quá trình chỉnh trang đô thị. Tôi nghĩ bà hẳn đã rất lo lắng khi theo dõi quá trình này.
Đúng vậy. Giá thuê ở đây bắt đầu tăng từ năm 2010. Các bài báo về khu Hongdae bắt đầu xuất hiện năm 2013 và bùng nổ vào khoảng năm 2016. Điều này khiến khu Hongdae mất đi nguồn năng lượng trước đây. Bầu không khí nghệ thuật dần tan biến, thay vào đó là những con phố giải trí tập trung các câu lạc bộ khiêu vũ và các quán rượu lưu động. Thêm vào đó, nhiều cửa hàng nhượng quyền xuất hiện thế chỗ cho các cửa hàng nhỏ mang bản sắc riêng, khiến khu vực này ngày càng mang tính đại trà.
Thời gian đó, Street H cũng ý thức được tình thế tiến thoái lưỡng nan mà truyền thông địa phương dễ mắc phải. Thực tế là các số tạp chí chúng tôi làm ra có thể đã vô tình góp phần vào quá trình chỉnh trang đô thị. Trước đó, chúng tôi đã xuất bản các ấn phẩm đặc biệt về những khu phố cụ thể như Yeonam-dong và Mangwon-dong. Tuy nhiên, khi tìm hiểu vấn đề sâu hơn, tôi không còn viết các bài báo phân chia theo từng khu vực. Dù sao những thông tin này cũng có thể dễ dàng tìm thấy trên mạng nên chúng tôi không nghĩ rằng cần phải nỗ lực tạo ra nội dung mà các nhà bất động sản hứng thú.
Street H được thành lập để ghi lại các sự kiện, các hoạt động văn hóa đa dạng và các đia điểm lớn của khu vực Hongdae. Street H đặt bước đi đầu tiên khi việc sản xuất nội dung về địa phương vẫn còn hiếm hoi, và giờ đây nó đã trở thành tạp chí địa phương nổi tiếng nhất cả nước.
Tiêu chuẩn để lựa chọn địa điểm đưa tin là gì?
Tôi thường nói: “Con người tạo ra không gian và không gian tạo ra khu vực”. Để không gian có ảnh hưởng tích cực lên khu vực thì những người vận hành khu vực đó phải xây dựng nội dung vững chắc. Phía trước Hongdae có một quán cà phê thuộc sở hữu của người từng là nhà sản xuất chương trình truyền hình và một hiệu sách do một biên tập viên đài phát thanh vận hành. Đúng là số lượng không gian có lịch sử thú vị như vậy đã giảm đáng kể so với trước đây, nhưng vẫn có trường hợp người ta tạo ra không gian dựa trên câu chuyện của mình.
Ví dụ, Low Books là tiệm sách được mở bởi một cựu nghiên cứu viên làm trong cơ quan nhà nước cùng với em trai của mình. Ý tưởng này được họ lấy từ một hiệu sách độc lập ở Gyeongju trong một lần ghé thăm. Low Books có câu lạc bộ sách và cung cấp nhiều chương trình đa dạng. Tôi có thể không ngần ngại giới thiệu thêm nhiều nơi như thế trong tạp chí của mình. Mặt khác, chúng tôi tránh đưa tin về những không gian có vẻ là đầu cầu hoặc nơi thử nghiệm cho hoạt động kinh doanh của khu vực khác. Các thương hiệu nhượng quyền lớn cũng vậy.
Tạp chí đã đăng chuyên mục phỏng vấn liên tục nhiều kỳ trong thời gian dài. Trong số 166 người được phỏng vấn, ai là người đặc biệt khiến bà nhớ nhất?
Tôi thường nghĩ đến nghệ sĩ Park Seo-Bo, người mới qua đời năm ngoái. Đó là khi ông ấy đang làm tại một studio gần Seongsan-dong, còn tôi thì đã quên bẵng đi chuyện đã từng đề nghị được phỏng vấn ông ấy do không nhận được bất kỳ hồi âm nào. Rồi một ngày, ông ấy gọi điện cho tôi và nói: “Tôi là Park Seo-Bo đây, hãy đến đây bây giờ đi”. Tôi đã viện cớ bận làm phóng sự ảnh và đề nghị gặp ông ấy vào hôm sau, nhưng ông trả lời rằng: “Không, ngày mai tôi không trả lời phỏng vấn”. Thế là tôi vác máy ảnh và đi một mình. Cuộc phỏng vấn đã rất thú vị. Gần đây Quỹ PARKSEOBO FOUNDATION đã gọi cho tôi, trình bày mong muốn giữ những bức ảnh phỏng vấn khi ấy để làm tư liệu.
Street H giờ đây đã vượt ra ngoài phạm vi một tạp chí đơn thuần và mang tính chất của một kho lưu trữ công cộng.
Ngoài công việc ở tạp chí, tôi còn tham gia một nhóm lưu trữ nhỏ ở khu vực Hongdae tên là ZINC. Nhóm này sắp xếp các sự kiện xảy ra ở khu vực Hongdae theo năm và theo chủ đề. Dữ liệu từ giữa thập niên 1990 đến đầu thập niên 2000 được sắp xếp tương đối tốt. Trái lại, hầu như có rất ít dữ liệu trong suốt khoảng 20 năm từ năm 2005 đến nay. Khi nghiên cứu tìm kiếm sự kiện ở những thời điểm cụ thể trong khoảng thời gian này, tôi nhận ra rằng tất cả những thông tin tôi cần đều có ở Street H.
Tài liệu này bao gồm những hình ảnh tổng hợp từ việc khảo sát kỹ lưỡng những thay đổi trước Hongdae. Nhờ những nỗ lực bền bỉ này, Street H đã có thể tự khẳng định vai trò là kho lưu trữ thông tin phong phú và chính xác nhất về khu vực Hongdae.
Cung cấp bởi Jung Ji-yeon
Tôi muốn biết suy nghĩ của bà về khu vực Hongdae hiện tại. Người ta nói rằng nó không còn như trước đây nữa.
Những câu nói như “Hongdae đã chết” đã xuất hiện từ lâu, nhưng vẫn có nhiều người yêu thích nơi đây. Thậm chí có người còn nói “Nơi này định hình nên thái độ sống của tôi”. Chẳng phải đó là tinh thần Hongdae còn được kế thừa cho đến ngày nay sao? Ví dụ như quán cà phê Sukkara đã ở trước Hongdae 10 năm, chuyên phục vụ các món ăn kiểu gia đình được chế biến từ rau củ theo mùa và nông sản địa phương. Tuy giờ đây quán đã đóng cửa, nhưng chợ nông sản Marche@ do chủ quán cà phê này thành lập vẫn hoạt động tốt ở nhiều nơi trên khắp Seoul, bắt đầu từ Seogyo-dong.
Tôi tin rằng di sản tinh thần và vật chất của những người đã tạo nên văn hóa mới ở khu vực Hongdae trong quá khứ vẫn còn bám rễ tại đây. Mặc dù cốt lõi văn hóa có thể không còn như xưa, nhưng những trải nghiệm và thử nghiệm mới vẫn đang được tiếp tục.
Nghe nói bà là cư dân ở khu vực Hongdae. Điều gì ở nơi này khiến bà luôn tự hào?
Tôi sống ở cuối Công viên Rừng Gyeongui Line (công viên rừng có tuyến đường xe lửa Gyeongui – chú thích của người dịch). Vốn dĩ nơi này chẳng có gì cả, nhưng từ khi có tuyến tàu điện và công viên thì nó trở thành một nơi tiện nghi đáng sống. Tôi thực sự thích quãng đường đi bộ nhàn nhã mất tầm 45 phút từ nhà đến chỗ làm. Tôi nghĩ một trong những phong cách sống được chú trọng kể từ những năm 2000 đến nay là gần gũi với thiên nhiên, và khu phố này rất phù hợp với xu hướng đó.