메인메뉴 바로가기본문으로 바로가기

null > 상세화면

2024 SPRING

XU HƯỚNG K-COMEDY MỚI

Gần đây xuất hiện một xu hướng mới về hài kịch Hàn Quốc, được gọi là K-comedy. Hình thức và nội dung của K-comedy đều mới mẻ khi sân khấu chính của hài kịch chuyển từ phương tiện truyền thông cũ sang phương tiện truyền thông mới như YouTube. Kênh Psick University là một ví dụ điển hình tiên phong cho sự thay đổi đó.
sĩ Jeon So-mi xuất hiện với tư cách là khách mời trong “Psick Show

Ảnh ca sĩ Jeon So-mi xuất hiện với tư cách là khách mời trong “Psick Show” – chương trình trò chuyện nổi tiếng của Psick University. Ngoài các nghệ sĩ trong nước, các nghệ sĩ nổi tiếng thế giới như nhà văn Pháp Bernard Werber, ca sĩ kiêm nhạc sĩ người Canada Daniel Caesar, nghệ sĩ người Mỹ MSCHF cũng từng góp mặt trong chương trình. Năm ngoái, tại lễ trao giải Nghệ thuật Baeksang 2023, Psick Show làkênh YouTube đầu tiên nhận giải thưởng show Tạp kĩ truyền hình xuất sắc nhất.
ⓒ META COMEDY

“Tôi nghĩ hài kịch và nghệ thuật thật sự có nhiều điểm tương đồng. Một khi thời đại thay đổi, đương nhiên các nghệ sĩ mới cũng ra đời. Chủ nghĩa hậu ấn tượng là ví dụ trong số đó. Chúng tôi chính là những Van Gogh, Paul Gauguin và Paul Cézanne trên YouTube.”

Đó là câu trả lời của diễn viên hài Lee Yong-ju khi được MC hỏi “Anh nghĩ hài kịch là gì?” trong chương trình THE TALK, một nội dung được đăng lên kênh YouTube Psick University vào tháng 11 năm 2021. Lee Yong-ju đã gọi Kim Min-soo, Jeong Jae-hyung và chính mình – những người cùng nhau gây dựng Psick University là Vincent van Gogh, Paul Gauguin, Paul Cézanne trên YouTube.

“Xuất sư biểu” do Psick University xuất trình

Bản thân THE TALK là một kiểu hài kịch theo hình thức phỏng vấn. Phù hợp với một nền tảng toàn cầu là YouTube, chương trình ra mắt những nội dung trò chuyện xuyên quốc gia, với phần dẫn bằng tiếng Anh do một nữ MC người nước ngoài đảm nhiệm. Tuy khách mời có xen kẽ Konglish (từ tiếng Anh theo kiểu Hàn Quốc – chú thích người dịch) và tiếng Hàn khi trò chuyện nhưng phong thái của họ rất tự tin, như thể họ đang tham dự một chương trình trò chuyện nổi tiếng của Mỹ. Ngay phần mở đầu, chỉ bằng điệu bộ nghiêm túc khi chào câu “nhóm hài kịch số một thế giới”, phong cách tự tin thái quá của họ đã khiến mọi người phải bật cười. Thế nhưng, chương trình này vừa là hài kịch, vừa được xem như là một “xuất sư biểu” (hai bài biểu do Gia Cát Lượng dâng lên vua trình bày nguyên nhân xuất chinh – chú thích của người dịch) của họ. Thời thế tạo anh hùng, những nghệ sĩ này cũng mang hoài bão sáng tạo một kiểu hài kịch mới lạ. Chương trình trò chuyện có phần bá đạo này đã trở thành một trong những nội dung chính của Psick University dưới cái tên The PISIC SHOW.

Với sự khép lại của thời đại hài kịch được chiếu trên truyền hình từng khiến cả gia đình dán mắt vào màn hình TV vào mỗi buổi tối cuối tuần, Psick University phát triển nhanh chóng khi số lượng người đăng ký kênh đạt 2.93 triệu (tính đến tháng 3 năm 2024). Một thời, các chương trình Gag Concert của KBS, People Looking For Laughter của SBS và Gagya của MBC đã tạo nên những ngôi sao hài kịch, trải qua thời kỳ hoàng kim của hài kịch chiếu trên truyền hình. Thế nhưng, lần lượt một hai chương trình trong số đó ngừng hoạt đông sau hơn 20 năm. Cuối cùng, vào tháng 6 năm 2020, ngay cả Gag Concert đang cầm cự đến cuối cùng cũng dừng phát sóng, chính thức kết thúc thời đại hài kịch phát sóng trên truyền hình. Ba năm sau, dù Gag Concert được hồi sinh vào tháng 11 năm 2023 nhưng sức mạnh của nó không còn như trước. Chương trình chỉ hoạt động với danh nghĩa nối tiếp truyền thống hài kịch của Đài truyền hình Quốc gia KBS.

Trong khi thời đại hài kịch truyền hình khép lại, những diễn viên hài từ đây bắt đầu chuyển sang hệ sinh thái mới YouTube, mở ra một con đường mới. Ban đầu, các nghệ sĩ hài vốn không thể phát huy hết khả năng của mình do “cấu trúc sinh tồn” của hài kịch phát trên truyền hình, nay họ bắt đầu bằng cách xây dựng kênh riêng trên Youtube. Kể từ đó, các nội dung hài kịch phù hợp với nền tảng YouTube xuất hiện và được ưa chuộng, dần dà các kênh phát cũng có khuynh hướng tự định hình bản thân thành một thương hiệu. Tiêu biểu là, Psick University tạo ra những nội dung ăn khách như “Câu lạc bộ leo núi Hansarang”, “Sự trở lại của niên khóa 05”, “Hẹn hò với anh chàng nhóm máu B”; hoặc Shortbox tạo ra thể loại sketch comedy (dạng hài kịch ngắn không quá 10 phút – chú thích của người dịch), mang khuynh hướng mô phỏng hiện thực (hyperrealism) như “Hẹn hò dài lâu”.

Sự trở lại của niên khóa 05

Là một phần trong chương trình “Sự trở lại của niên khóa 05” của Psick University, “Niên khóa 05 ở đây” kể về những trùm trường năm 2005 giờ đã đứng tuổi. Chương trình nhận được sự yêu mến và đồng cảm của người xem khi tái hiện từng chi tiết cuộc sống của các cặp vợ chồng ở đô thị mới, hay xã hội Hàn Quốc những năm 2020 mà con người ngấp nghé tuổi 30 phải đối mặt.
ⓒ META COMEDY

Câu lạc bộ leo núi Hansarang

Xoay quanh những người đàn ông trung niên trong câu lạc bộ leo núi, chương trình “Câu lạc bộ leo núi Hansarang” của Psick University thêm thắt sự hài hước của nhân vật qua các chi tiết và tính cách đa dạng.ⓒ META COMEDY

 

Nền tảng truyền thông mới, hình thức hài kịch thay đổi

Nền tảng truyền thông đã khác trước dẫn đến sự thay đổi cho cả hài kịch trên nền tảng đó. Nếu như hài kịch phát trên truyền hình chỉ dừng lại ở những vở hài conte (tiểu phẩm hài ngắn mang tính trào phúng về một đối tượng hay hiện tượng trong xã hội – chú thích của người dịch), biểu diễn trong không gian hạn chế như sân khấu, thì hài kịch trên phương tiện truyền thông mới như YouTube đã chuyển không gian đó sang cuộc sống hàng ngày. Thời kì đầu, các tình huống hài hước đời thường thường được ghi lại bằng máy quay ẩn rất được yêu thích, nhưng về sau là thời kì hoàng kim của dòng hài kịch nhấn mạnh cái thật hơn cả thực tế.

Ngoài ra, được thành lập bởi diễn viên hài Kwak Beom và Lee Chang-ho, kênh Bbangsongguk sử dụng ứng dụng chỉnh sửa, tạo ra nhóm nhạc Mad Monster gồm hai thành viên nam là TAN và J.Ho. Thế giới quan mới được tạo ra thông qua một nhân cách khác, hình thành một thể loại gọi là “Hài kịch thế giới quan”. Sự quá nhập tâm vào thế giới quan của vai diễn, cộng với các chương trình quảng cáo của nhóm trên thực tế, khiến người hâm mộ đắm mình vào thế giới giả định như thể nó là thật. Thậm chí có cả những món đồ lưu niệm có hình nhân vật Mad Monster được bán tại các sự kiện. Bằng cách này, những dòng hài kịch vốn được trình diễn thông qua các kênh truyền thông cũ, bị giới hạn bởi không gian sân khấu đã khởi sắc hơn về đề tài cũng như hình thức trên một không gian mở như YouTube.

Các mục như Psick Show của Psick University trở thành chương trình trò chuyện ăn khách nhờ nền tảng toàn cầu YouTube. Nó nổi tiếng đến mức không chỉ có sự góp mặt của các ngôi sao trong nước như RM của BTS, Jay Park, Son Suk-ku mà đến cả các ngôi sao, người nổi tiếng thế giới cũng tham gia. Chẳng hạn, họ đã phỏng vấn diễn viên Chris Pratt trong phim “Vệ binh dải Ngân Hà” (Guardians of the Galaxy) và đạo diễn điện ảnh James Francis Gunn Jr. rằng họ cảm thấy như thế nào khi xuất hiện trong chương trình hàng đầu thế giới, hay phỏng vấn nhà văn Bernard Werber – tác giả cuốn tiểu thuyết “Kiến” nói về tương lai của các nhà đầu tư “con kiến” (các nhà đầu tư nhỏ lẻ – chú thích của người dịch). Ngoài ra, các diễn viên hài vừa vận hành kênh riêng của mình vừa sử dụng các mối quan hệ vốn có giữa tiền bối và hậu bối để có thể chia sẻ các quan điểm thông qua nhiều hoạt động hợp tác khác nhau. Cả một vũ trụ hài kịch đã được mở ra chỉ với nền tảng YouTube.

Về sau, các kênh đã có tên tuổi trên YouTube tập hợp lại để thành lập một thương hiệu hài kịch mang tên META COMEDY. Thương hiệu hài kịch trên nền tảng YouTube giá trị ở chỗ nó mở ra khả năng kinh doanh thực tế bằng cách tổng hợp hài kịch YouTube vốn phân tán trên kênh riêng lẻ trước đây, điều đó làm nên tuyên ngôn hài kịch của thời đại mới, khác hẳn với hài kịch trên các phương tiện truyền thông cũ.

Mad Monster

“Mad Monster” là chương trình tiêu biểu giúp Bbangsongguk đạt được số lượng người theo dõi khổng lồ. Nhóm nhạc gồm hai thành viên nam này sử dụng hiệu ứng chỉnh sửa khuôn mặt trên ứng dụng chụp hình của điện thoại để trình diễn.
ⓒ META COMEDY

K-comedy có thể tạo ra tiếng vang toàn cầu chăng?

Ai trong chúng ta cũng từng cười thích thú khi xem diễn xuất của Charles Spencer Chaplin Jr. – nghệ sĩ hài kiêm diễn viên người Anh, hay xem “Mr. Bean” – một trong những bộ phim sitcom tiêu biểu của Anh. Do đó, dường như không có rào cản giữa thời đại, quốc gia, ngôn ngữ trong hài kịch. Tuy nhiên, phải nhìn nhận một thực tế rằng kiểu hài kịch này chủ yếu sử dụng ngôn ngữ cơ thể nguyên thủy hơn là ngôn ngữ nói thông thường, do đó khó mà cho rằng hoàn toàn không có rào cản văn hóa hay ngôn ngữ ở đây. Trên thực tế, trên phương diện tiếng cười, chúng ta không thể loại bỏ hoàn toàn cảm xúc đặc trưng xuất phát từ khác biệt về văn hóa.

Ngược lại, nền tảng toàn cầu như YouTube lại đóng vai trò phá vỡ những rào cản cảm xúc này. Cuộc gặp gỡ của Psick Show với Walter Hong – một diễn viên hài ở Mỹ đã phản ánh được điều này. Walter Hong chơi chữ khi nói “Tiếng Anh ẹ quá” để ám chỉ thứ tiếng Anh vụng về của các diễn viên hài trong chương trình. Ngay khi Lee Yong-ju diễn đạt từ “sokae” (nghĩa là “giới thiệu”, nhưng cũng có từ đồng âm mang nghĩa “bò, chó” trong tiếng Hàn – chú thích của người dịch) là “Cow Dog”, Walter Hong cũng hưởng ứng bảo là “Cow Crab” (khi phát âm thành “soke” thì mang nghĩa “bò, cua” trong tiếng Hàn – chú thích của người dịch), biến rào cản ngôn ngữ thành thứ gây cười.

Về nguồn gốc của tiếng cười, có giả thuyết cho rằng nó là dấu hiệu được sử dụng bởi những người lạ khi gặp nhau thuở hồng hoang để chứng tỏ bản thân mình vô hại với đối phương. Điều này cũng có nghĩa là những khác biệt về văn hóa, cảm xúc, ngôn ngữ trong tiếng cười ngay từ ban đầu đã tồn tại như rào cản cần phải vượt qua chứ không phải là rào cản không thể vượt qua. Như vậy, cần phải dõi xem “nhóm hài kịch hay nhất thế giới” tự xưng như Psick University sẽ làm gì tiếp theo trên nền tảng toàn cầu YouTube. Đây không chỉ là con đường để K-comedy vươn ra thế giới, mà cũng là cách để phá vỡ những gì trước đây được cho là rào cản qua tiếng cười.

Jung Duk-hyun - Nhà phê bình văn hóa đại chúng

Dịch. Lê Thị Phương Thủy

전체메뉴

전체메뉴 닫기