Đồ chơi không chỉ là món tiêu khiển thông thường mà còn là phương tiện thiết yếu để phát triển thể chất và tình cảm cho trẻ nhỏ. Tuy nhiên đồ chơi cũng là món đồ dễ dàng được mua và khi không còn hứng thú cũng dễ dàng bị vứt đi. Do các tác nhân như ô nhiễm môi trường hay biến đổi khí hậu, nhận thức về vấn đề sử dụng nhựa dần được nâng cao, cũng như đòi hỏi con người phải nghiêm túc nghiên cứu từ việc mua sắm đồ chơi khi phần lớn chúng được làm từ nhựa, đến các giải pháp thu gom và xử lý đồ chơi qua sử dụng.
Nhà máy đồ chơi Kokkiri đang làm ra các tạo hình nghệ thuật động vật làm từ bộ phận tháo rời trong đồ chơi cũ nhằm báo động tính nghiêm trọng của vi nhựa. Tên tác phẩm này là “Đàn cá hồi”.
ⓒ Nhà máy đồ chơi Kokkiri
ⓒ Elephant Factory
Người làm cha mẹ đều mong muốn cho con mình tất cả những gì mà con thích. Nhưng do các vấn đề ô nhiễm môi trường và biến đổi khí hậu, nhận thức của con người về việc tiêu thụ sản phẩm nhựa ngày càng được nâng cao. Ta phải quan tâm xem xét tác động của việc sử dụng sản phẩm nhựa đối với môi trường ở mọi khía cạnh của đời sống như ăn uống, may mặc, giải trí. Món đồ chơi mà con em đang dùng cũng không là ngoại lệ.
Đồ chơi trở thành phế thải
Phần lớn các món đồ chơi trẻ em đang dùng đều được làm từ nhựa. Tuy có sự thay đổi nhỏ tích cực khi đồ chơi dần được sản xuất từ các chất ít gây hại đến môi trường, nhưng vấn đề chính là các hỗn hợp sắt và cao su đều được phân loại vào nhóm rác thải thông thường. Do đó, nếu là món đồ chơi 100% được làm từ nhựa thì sẽ được nấu chảy và tái chế, còn đồ chơi có kèm các thành phần khác như dây điện hay ốc vít thì đành phải chôn lấp hoặc đốt.
Do đó, hiện thực đáng buồn là phần lớn các món đồ chơi bị vứt đi không được tái chế. Tái sử dụng tài nguyên tuy là một bài toán khó, nhưng chất thải ra môi trường trong quá trình tiêu hủy cũng là vấn đề lớn. Để khắc phục thực trạng này, điều cần làm là phải giảm thiểu lượng đồ chơi bị vứt bỏ, biến chúng trở nên hữu ích nhất có thể. Nhà máy Kokkiri ở Ulsan là một doanh nghiệp xã hội cũng đang đau đáu hơn ai hết về vòng đời của các món đồ chơi.
Khởi đầu của nhà máy đồ chơi Kokkiri
Đồ chơi quyên góp cho nhà máy Kokkiri. Đồ chơi được phân loại thành hai nhóm có thể và không thể sửa chữa. Đồ chơi đã qua sửa chữa dùng để trao tặng trẻ em khó khăn, nhóm còn lại dùng để làm thành nguyên liệu tái chế.
ⓒ Nhà máy đồ chơi Kokkiri
Có nhiều lý do để một món đồ chơi bị vứt đi, chẳng hạn như trẻ nhỏ thường mau chán hay đồ chơi dễ hỏng khi dùng. Và mỗi lần như vậy, theo một cách thường thấy, nó sẽ bị bỏ mặc một thời gian rồi bị vứt đi, bởi có vô số đồ chơi mới lại tiếp tục xuất hiện. Tuy nhiên, ép trẻ phải chơi món đồ mà bản thân đã thấy nhàm chán, không còn hứng thú nữa cũng không hẳn là một cách hay, hơn nữa việc tìm đến các dịch vụ sửa chữa đồ chơi cũng không phải chuyện dễ dàng. Đây là điều được đúc kết từ đại diện nhà máy Kokkiri, ông Lee Chae-jin, người từng kinh doanh một tiệm cho thuê đồ chơi trước đây.
Nhận thấy rằng nhiều món đồ chơi dễ hư hỏng và vì vậy càng dễ bị vứt đi, ông đã thử tìm hiểu các công ty sản xuất hoặc phân phối để sửa chữa đồ chơi hỏng. Trong hơn 600 công ty sản xuất đồ chơi, chỉ có 5% đi kèm dịch vụ sửa chữa. Điều này khiến cho đồ chơi chỉ là một thứ tiêu sản dễ dàng bị vứt bỏ đi. Ông Lee đã dần ý thức được vấn đề, ông tập hợp những người có chuyên môn sửa chữa đồ hỏng và bắt đầu hành trình hồi sinh đồ chơi ở các nhà trẻ.
“Đội sửa chữa đồ chơi” là tiền thân của nhà máy đồ chơi Kokkiri. Ban đầu tổ chức đã đến các nhà trẻ để sửa đồ chơi và đôi khi cũng được nhận lại đồ chơi thay cho lời cảm ơn từ nhà trẻ. Dần dà về sau hoạt động này được phát triển mạnh mẽ hơn, nhà máy đã phân phối các món đồ chơi nhận được đến các nhà trẻ khác có nhu cầu sử dụng. Nhà trẻ sẽ sử dụng dịch vụ từ các doanh nghiệp phòng dịch mỗi năm, tuy nhiên nhiều doanh nghiệp chỉ chăm chăm vào việc khử trùng không gian sống nhà trẻ, khử trùng đồ chơi trẻ em và để lại cho nhà trẻ rất nhiều chế phẩm diệt khuẩn. Khác với các doanh nghiệp phòng dịch thông thường đó, nhà máy đồ chơi Kokkiri tạo nên một hình mẫu doanh nghiệp mới bằng cách tiến hành sửa chữa các món đồ chơi hỏng, đồng thời thu gom các món đồ chơi không còn được trẻ ưa chuộng nữa dưới hình thức nhận quyên góp. Hiện nay mỗi năm nhà máy đã thu gom và phân phối với số lượng trên 10 nghìn món đồ chơi cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn. Điều này đồng nghĩa với việc mỗi năm có hơn 10 nghìn món quà đến với trẻ em khó khăn, tạo điều kiện cho các em có cơ hội được vui chơi.
Hồi sinh đồ chơi - xoá nhoà khác biệt giữa những đứa trẻ
Nhân viên xưởng đang sửa chữa đồ chơi hỏng.
ⓒ Nhà máy đồ chơi Kokkiri
Trẻ em cần sử dụng đồ chơi phù hợp lứa tuổi và trải qua quá trình tăng trưởng, phát triển phù hợp theo từng giai đoạn. Trẻ em được nuôi dưỡng trong gia đình có điều kiện kinh tế hay trẻ em được gửi vào các cơ sở mẫu giáo tự quản địa phương có nhiều ngân sách phúc lợi sẽ dễ dàng tiếp cận và sử dụng nhiều đồ chơi chất lượng tốt. Trái lại, trẻ em có hoàn cảnh khó khăn thì không được như vậy. Đây cũng là lý do mà đại diện Lee Chae-jin quyết định hệ thống hóa và nâng cấp tổ chức tình nguyện sửa chữa đồ chơi hỏng thành nhà máy đồ chơi Kokkiri. Hoạt động này không chỉ góp phần làm giảm rác thải nhựa để bảo vệ môi trường mà còn giúp cho trẻ phát triển giác quan và kỹ năng phù hợp với lứa tuổi bằng cách trải nghiệm nhiều loại đồ chơi khác nhau.
Lượng đồ chơi mà nhà máy Kokkiri nhận được từ các cá nhân và tổ chức trên toàn quốc đã đạt 40 - 60 tấn hàng tháng. Xuất phát điểm là một tổ chức thiện nguyện nhỏ, Kokkiri đã trở thành một doanh nghiệp xã hội có đến bốn văn phòng chi nhánh tại Gyeonggi, Incheon, Ulsan,... mang đến các giá trị tích cực như đặt ra vấn đề về số lượng lớn đồ chơi bị bỏ đi, cân nhắc đến tính nghiêm trọng của ô nhiễm môi trường do sự biến đổi khí hậu, đưa ra giải pháp tái sử dụng đồ chơi nhằm giảm thiểu lượng rác thải, cũng như hỗ trợ được trẻ em có hoàn cảnh khó khăn.
Cuộc phiêu lưu của những món đồ chơi
Quá trình lắp ráp của rô bốt tự động AI co-bot làm bằng nhựa tái chế, do có yếu tố “lập trình” nên kích thích óc sáng tạo của trẻ nhỏ.
ⓒ Nhà máy đồ chơi Kokkiri
Đồ chơi tập hợp tại nhà máy được hồi sinh theo nhiều cách khác nhau. Trước tiên với các món đồ chơi có thể sửa chữa được, các tình nguyện viên sẽ nỗ lực thu gom và quyên góp cho các cơ quan đoàn thể khác. Đối với những món đồ chơi khó có thể sửa chữa hay bị bạc màu quá nhiều, nhà máy sẽ bắt đầu xử lý bằng việc tỉ mỉ tháo rời các bộ phận. Các chất liệu ngoài nhựa như là dây điện, ốc vít, loa sẽ được gom riêng và tái sử dụng làm phụ tùng khi sửa chữa các món đồ chơi khác. Thành phần nhựa còn lại như nhựa tổng hợp, nhựa polypropylene, nhựa polyetylen có nhiệt độ tan chảy khác nhau nên tiếp tục được phân loại theo màu sắc và chất nhựa, phục vụ cho việc tái chế. Sau khi phân loại, nhựa sẽ được nghiền nhuyễn và nung chảy để tạo ra một sản phẩm mới.
Nhựa đồ chơi là nhựa ít chất gây hại nên có giá trị gia tăng hơn 10 lần dù vật liệu tổng hợp được phân tách đúng cách. Do đó, nhà máy Kokkiri sử dụng máy phân loại siêu phổ tách 95% nhựa nguyên chất và sản xuất 300 tấn nhựa tái chế mỗi tháng. Việc sản xuất các sản phẩm từ nhựa tái chế như chậu hoa hay móc khóa rồi phân phát cho trẻ em là một trong các hoạt động của nhà máy. Bên cạnh đó, nhà máy còn tổ chức nhiều sự kiện trải nghiệm với đa dạng chủ đề nhắm vào đối tượng đoàn thể và gia đình, mà qua đó người tham gia có thể quan sát được vòng tuần hoàn thân thiện với môi trường của nhựa tái chế. Qua việc quan sát thực tế quy trình tái chế đồ chơi cũ thành chất liệu mới, trẻ em có thể học hỏi và nhận thức được rằng những món đồ chơi mà bản thân hết hứng thú không phải là thứ có thể mau chóng vứt đi, đồ chơi là tài nguyên, có giá trị, cần được tái chế và tái sử dụng.
Giáo dục tái chế tài nguyên cho trẻ
Móc khóa là một trong những sản phẩm thân thiện với môi trường của nhà máy đồ chơi Kokkiri, đây là sản phẩm được làm từ nhựa nghiền trong rác thải đồ chơi.
ⓒ Nhà máy đồ chơi Kokkiri
Ta có thể bắt gặp hình ảnh các bạn nhỏ mang đồ chơi mình không sử dụng đến quyên tặng nhà máy đồ chơi Kokkiri. Với đôi bàn tay nhỏ nhắn của trẻ thơ, các bạn điền tên mình vào phần “người quyên góp” với vẻ tự hào và cũng thật đáng yêu. Những bạn nhỏ đến quyên góp cũng có thể lựa chọn cho mình một món đồ chơi mà nhà máy đã sửa chữa và khử độc. Điều này làm cho niềm vui khi quyên tặng của các bạn càng nhân lên bội phần. Tham gia vào hoạt động trao tặng đồ chơi đã qua sử dụng thay vì vứt bỏ là một dịp học tập quý giá cho các em. Vì qua đó, trẻ nhỏ học được tầm quan trọng của tài nguyên một cách tự nhiên. Đây còn là bài học về ý nghĩa của việc cho đi, giá trị của việc tái chế, từ đó nâng cao sự hiểu biết về việc bảo vệ môi trường và tiết kiệm năng lượng.
Yoo Da-mi - Biên tập viên
Dịch. Phạm Công Bảo Duy