메인메뉴 바로가기본문으로 바로가기

Brick by Brick > 상세화면

2024 SUMMER

NÉT ĐẸP KIẾN TRÚC HỮU CƠ BẮT NGUỒN TỪ CHỨC NĂNG

Chanjoong Kim - người dẫn dắt THE_SYSTEM LAB - là một kiến trúc sư tạo được chú ý với tính thẩm mỹ kiến trúc độc đáo. Tác phẩm của ông được đánh giá là chứa đựng sự dí dỏm hiếm thấy trong kiến trúc Hàn Quốc. Năm 2016, ông được tạp chí phong cách đời sống của Anh “Wallpaper*” bình chọn là một trong “20 kiến trúc sư mới nổi trên thế giới”.

Người sáng lập THE_SYSTEM LAB - Chanjoong Kim là kiến trúc sư đã đưa ra loại kiến trúc mới thông qua “cải cách hợp lý”. Ông cho rằng trong xã hội ngày nay luôn thay đổi với tốc độ nhanh hơn bao giờ hết, kiến trúc phải trở thành một thực thể có thể đáp ứng dòng chảy của thời đại.
ⓒ Gangseok Lee

“Hình thức tuân theo chức năng.”

Đây là câu trả lời của Chanjoong Kim khi được hỏi về triết lý kiến trúc của bản thân. Giọng điệu của ông cho thấy có vẻ đây là một câu nói cố hữu của kiến trúc sư người Mỹ Louis Sullivan, nhưng nét mặt của ông thì kiên định.

“Mọi người chắc hẳn sẽ chán ngấy vì câu chuyện quá kinh điển, nhưng mọi đường cong và hình thức hữu cơ trong kiến trúc của chúng tôi đều chứa đựng chức năng riêng của nó.”

Kiến trúc sư không phải là nghệ sĩ, vì vậy họ phải tìm cách giải quyết vấn đề phù hợp với chức năng. Tuân theo phương thức về mặt kiến trúc trước khi đắm mình vào cái đẹp là số mệnh của họ.

Mặt tiền đối diện đường lớn của khách sạn Mercure Ambassador Seoul Hongdae được thiết kế như tấm màn trong suốt. Tấm màn đóng vai trò ngăn chặn tiếng ồn trên đường về mặt chức năng, đồng thời tạo ra những hình bóng đen ngược sáng đầy cá tính về mặt thẩm mỹ.
ⓒ Kim Yong-kwan

THIẾT KẾ CÂN NHẮC ĐẾN CHỨC NĂNG

Trung tâm Nghiên cứu Samjin Pharm tại Magok-dong, Gangseo-gu, Seoul (xây dựng năm 2021) là một tòa nhà có hình dáng giống vạt rèm đang đung đưa trong làn gió nhẹ. Cơ quan nghiên cứu là không gian đòi hỏi sự tập trung cao độ vì là nơi liên tục diễn ra các thí nghiệm. Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu không thể chỉ tập trung vào nghiên cứu suốt cả ngày. Thỉnh thoảng họ cũng cần vươn vai và nhìn ra ngoài cửa sổ để hít thở. Phần mặt tiền như thể sóng lượn của tòa nhà là giải pháp cân nhắc đến điểm này, đồng thời giải quyết vấn đề ánh sáng chói vào buổi chiều của tòa nhà hướng tây.

Kiến trúc sư đã thiết kế bàn làm việc cá nhân của các nhà nghiên cứu đặt ở mép rìa, trong khi không gian làm việc chung là phòng thí nghiệm được đặt ở trung tâm. Đây là cấu trúc không gian giúp các nhà nghiên cứu tập trung vào nghiên cứu cá nhân ở không gian riêng, và tư duy rộng mở trong không gian chung là phòng thí nghiệm. Ông cho rằng bàn làm việc được đặt cạnh cửa sổ không nên quá bị che khuất bởi ánh nắng gắt, cũng không nên quá kín đáo tách biệt với bên ngoài. Vì vậy, bức tường dựng ở độ cao đủ để ngăn ánh nắng nhưng vẫn hướng đến sự kết nối với thành phố bên ngoài. Bức tường cong uốn lượn như một tấm vải mỏng, được làm từ bê tông cường độ cực cao (UHPC, Ultra-High Performance Concert) dày 80mm. Hình dáng trông có vẻ mềm mại nhưng độ cứng lại vượt trội so với bê tông thông thường.

“Tấm bê tông ngoài được làm uốn cong để ngăn ánh nắng trực tiếp và cho ánh sáng gián tiếp có thể lọt vào qua khe hở nhỏ. Ngồi tại bàn làm việc cũng có thể nhìn thấy thành phố qua khe hở cong này. Nếu không gian này là hướng bắc, không có ánh nắng trực tiếp, chúng tôi sẽ không thực hiện thiết kế này. Tất cả mọi thứ đều là lựa chọn liên quan đến chức năng.”

Trung tâm Nghiên cứu Magok của công ty công nghệ thông tin EXEM (xây dựng năm 2022) tọa lạc ở dãy bên cạnh cũng là một dự án do họ đảm nhận, và tòa nhà cũng nằm hướng tây. Bức tường bên ngoài được gắn các tấm chắn nắng bằng nhôm đặc biệt xếp thành hàng với độ nghiêng 45 độ. Cũng giống như Trung tâm Nghiên cứu Samjin Pharm, các tấm chắn bằng nhôm đóng vai trò ngăn chặn ánh nắng gắt vào buổi chiều từ hướng tây đồng thời cho phép ánh sáng phản chiếu nhẹ nhàng lọt vào bên trong. Ông đã cân nhắc đến đặc trưng của công ty IT là làm việc chủ yếu qua màn hình và chú ý đến môi trường ánh sáng đồng đều bên trong. Khoảng trống giữa các tấm chắn nắng và tường kính bên ngoài được thiết kế thành không gian nghỉ ngơi hình ban công để nhân viên có thể hít thở không khí bên ngoài.

BƯỚC ĐI THỬ NGHIỆM

Cửa hàng flagship Paul Smith (xây dựng năm 2011) thường được gọi là “Tòa nhà Răng cối”, nó phồng lên ở phần trên giống như một chiếc bánh muffin để đáp ứng tất cả nhu cầu của khách hàng về không gian trong điều kiện diện tích sàn bị hạn chế. Tòa nhà văn phòng Hannam-dong (xây dựng năm 2014) được cho là giống với tác phẩm Casa Mila của Gaudi, ngôi nhà có các cửa sổ cong cong ở ban công hướng ra ngoài bờ tường nhấp nhô uốn lượn. Ban công đóng vai trò làm xoa dịu phần nào sự mệt mỏi của những người làm việc trong nhà. Căn hộ chung cư Darak Darak (xây dựng năm 2016) ở Ogeum-ro, Songpa-gu có phần mái dốc kéo dài đã mở rộng diện tích và chiều cao của căn hộ bằng cách tận dụng đặc trưng của gác xép vốn không liên quan đến việc chia tầng và diện tích sàn. Đồng thời, tòa nhà trông nổi bật nhờ sử dụng thép mạ màu để có thể dùng lâu mà vẫn sạch sẽ, có khả năng kháng gỉ sét và ố bẩn. Các hạn chế và điều kiện khó khăn lại là khởi đầu cho những nỗ lực thử nghiệm cho Chanjoong Kim.

Cửa hàng flagship Paul Smith nằm ngay trước công viên Dosan, Gangnam-gu đã xuất hiện sau quá trình cân nhắc làm thế nào để công chúng có thể nhận ra được thương hiệu này trong môi trường dày đặc các cửa hàng thương hiệu xa xỉ. Kết quả là nó trở thành một tòa nhà có nhiều cách giải thích tùy theo mỗi người. Nó hiện được sử dụng làm cửa hàng HERITIQUE NEWYORK.
ⓒ Kim Yong-kwan

“Tôi rất quan tâm đến các chất liệu mới. Cách tiếp cận của con người thay đổi khi hình dạng và thuộc tính vật chất ngôi nhà thay đổi. Người ta sẽ đến gần, gõ và tiếp xúc trực tiếp vào chúng. Tôi đặt biệt danh cho các ngôi nhà theo kiểu Ngôi nhà Xì Trum, Ngôi nhà tua bạch tuộc. Tôi hy vọng rằng mỗi tòa nhà có thể phản chiếu và kể ra được những tâm tư trải nghiệm của riêng mỗi người. Tôi tin rằng kiến trúc đẹp là một tòa nhà khơi dậy sự tò mò, qua đó thúc đẩy tính sáng tạo của con người và mang lại sức sống cho thành phố khô cứng buồn tẻ.”

PLACE 1 BUSAN nằm ở trung tâm thành phố cũ của Busan, là dự án tu sửa tòa nhà ngân hàng Hana. Kiến trúc sư đã sử dụng mô típ từ vườn treo Babylon và thiết kế tầng trên của tòa nhà theo cách độc đáo.
ⓒ Cheong O Yu

CÔNG TRÌNH HÀI HÒA THIÊN NHIÊN

Việc xây dựng resort KOSMOS ở đảo Ulleung năm 2017 theo đặt hàng của Tập đoàn KOLON là một thách thức trong việc tạo ra kiến trúc không giống công trình xây dựng ở chỗ nó không đi ngược lại với tự nhiên. Khách sạn nằm ở vách đá sát biển này giống một tác phẩm trang trí hơn là một tòa nhà. Nó gợi nhớ đến bức tranh “Sự ra đời của thần Vệ Nữ” (The Birth of Venus ) của Botticelli khi phủ một màu trắng thanh tao như chiếc vỏ sò dưới chân thần vệ nữ Venus. Hình dạng nhìn từ trên xuống giống như cánh hoa đang nở rộ, đường cong nhìn từ bên cạnh thì giống như con sóng đang dâng lên. Năm 2015, Chanjoong Kim - người được giao nhiệm vụ thiết kế khu nghỉ dưỡng - đã vào đảo Ulleung bằng đường thủy kéo dài sáu đến bảy tiếng. Khi màn đêm buông xuống hòn đảo, ta có thể nhìn thấy chuyển động của sao trời, khi mặt trời mọc, ta có thể nghe thấy gió thổi và sóng vỗ. Ông đã yêu cầu đài quan sát thiên văn lấy dữ liệu quỹ đạo của mặt trời và mặt trăng, từ đó ông vẽ được đường cong của tòa nhà phỏng từ đường parabol mà tạo hóa phác thảo. Đây cũng là nguyên do mà tất cả cấu trúc trong tòa nhà đều hài hòa với thiên nhiên.

“Tôi không muốn thêm các yếu tố nhân tạo vào môi trường tự nhiên của đảo Ulleung, nơi đã trải qua quá trình hình thành hàng vạn năm quanh núi Chu. Tôi muốn nơi đây vẫn bảo toàn thắng cảnh thay vì mang dáng dấp của một công trình xây dựng, dù là ở bên ngoài hay bên trong.”

Resort KOSMOS nằm ở đảo Ulleung là nơi môi trường thiên nhiên hoang sơ được bảo tồn rất tốt. Kiến trúc sư muốn thiết kế một chiếc bát chứa đựng cả thiên nhiên hơn là thiết kế các tòa nhà trên mặt đất. Bên cạnh đó, ông cũng hy vọng rằng nơi này sẽ trở thành một công cụ thiên văn để quan sát quỹ đạo của các ngôi sao.
ⓒ Kim Yong-kwan

Đây là một công trình kiến trúc hòa lẫn nhịp nhàng vào tự nhiên nên cần tránh cảm giác nặng nề. Nó cần một vật liệu linh hoạt, nhẹ đồng thời chắc chắn cho phần tường ngoài trời để có thể chịu được sóng gió biển mặn. Người ta dùng bê tông UHPC thường thấy trong các công trình dân dụng để xây dựng tòa nhà này. Đây là một thử nghiệm mà chưa ai từng làm. Bê tông thường dày khoảng 30cm, nhưng giờ đã được làm mỏng còn 12cm trong giới hạn cho phép, độ bền tăng gấp năm lần. Tuy nhiên việc tạo ra loại bê tông đáp ứng các điều kiện khắc nghiệt rồi chuyên chở đến đảo Ulleung lại là vấn đề nan giải. Người ta đã thử đổ bê tông tại chỗ vào khuôn và trở thành ca đầu tiên thành công trên thế giới. Hình thức hữu cơ được ra đời như thế đã hài hòa vào môi trường xung quanh như thể được chính mẹ thiên nhiên tạo dựng.

Mẹ của kiến trúc sư là một họa sĩ. Bà thỉnh thoảng tổ chức các buổi triển lãm tranh khỏa thân. Sự hiểu biết, sự khéo tay và sự tinh ý về vẻ đẹp của đường cong hình thể của ông dường như được thừa hưởng từ người mẹ. Bố ông cũng khuyến khích ông phát triển thành một người theo chủ nghĩa thực dụng. Điều này đã nuôi dưỡng nên một nhà chức năng luận, đồng thời là kiến trúc sư khơi gợi trí tưởng tượng không thua kém gì một nghệ sĩ.

KIẾN TRÚC VÌ TƯƠNG LAI

“Kiến trúc là một trong những ngành công nghiệp lâu đời nhất. Khác với nhịp biến đổi chầm chập của ngày xưa, cách mạng kỹ thuật công nghiệp hiện nay đã phát triển chóng mặt. Quá trình chúng ta xem đất rồi xây nhà nếu ngắn thì 3 năm, dài thì 5 năm, ngần ấy thời gian cũng đã làm cho kỹ thuật, xu hướng và thậm chí là chức năng của nhà ở biến động và thay đổi đi rất nhiều. Với tư cách một kiến trúc sư, ông đã trăn trở chúng ta của sau này sẽ sinh sống và cư trú như thế nào.”

Quỹ Văn hóa Wooran (Wooran Foundation) nằm trên Yeonmujang-gil, Seongsu-dong là một công trình kiến trúc được thiết kế sao cho phù hợp với cảnh quan khu vực xung quanh. Để hài hòa với các xưởng nhỏ lân cận, công trình này được thiết kế theo dạng tập hợp của nhiều khối kiến trúc nhỏ.
ⓒ Kim Yong-kwan

Sự cách tân hình thức phản ánh sự thay đổi chức năng của ngôi nhà. Các tác phẩm mới của Chanjoong Kim hiện đang đào sâu vào tính khu vực, cộng đồng và lịch sử. Năm 2021, ông đảm nhận dự án tái tạo trung tâm cũ xuống cấp của làng Oegosan Onggi, Ulju-gun, thành phố Ulsan. Làng Oegosan Onggi là nơi gìn giữ nét thẩm mỹ và kỹ thuật chế tạo gốm truyền thống, hơn 50% gốm sản xuất trên toàn quốc được sản xuất tại đây. Ông mong đợi khu vực này sẽ phát triển mạnh với các văn phòng cho người trẻ đến đây cư trú và làm việc, thay vì chỉ là một địa danh nổi tiếng với các quán cà phê và nhà hàng nhộn nhịp vào cuối tuần.

Năm ngoái, ông cùng với Quỹ Bảo tồn Văn hóa Arumjigi (Arumjigi Culture Keepers Foundation) nhận nhiệm vụ tu sửa lại “Ngôi nhà cổ của dòng họ Yun” ở Okin-dong, Jongno-gu theo yêu cầu của chính quyền thành phố Seoul. Đây là ngôi nhà truyền thống do ông Yoon Deok-young - một quan chức thân Nhật thời Đế quốc Đại Hàn (1897-1910) - xây dựng cho người vợ lẽ của mình. Đương thời đây là ngôi nhà hoa lệ bậc nhất, nhưng sự sụp đổ quyền lực của vị quan chức này dẫn đến việc ngôi nhà bị bỏ hoang rồi suy tàn. Với mục tiêu trình làng vào nửa đầu năm sau, ông có kế hoạch biến nơi này thành không gian mở cho người dân thành phố. Ông mong muốn được kiến tạo tương lai.

Cho Sang In – Phóng viên chuyên mục Nghệ thuật
Dịch. Phạm Công Bảo Duy, Trần Ngọc Thủy Tiên

전체메뉴

전체메뉴 닫기